Cả nước có 33.806 trang trại

Trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản đã tăng từ 22,48% năm 2012 lên 24,95% năm 2017; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 2,69% năm 2012 lên 3,79% năm 2017. Tỷ trọng giá trị gia tăng thủy sản tăng từ 18,8% lên 20,5%; lâm nghiệp tăng từ 3,8 lên 4,5%.

Đến hết tháng 10/2018, cả nước có 3.597 xã (đạt 40,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, có 55 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn.

Đến 30/6/2018, cả nước có tổng số 33.806 trang trại. Số trang trại được thành lập mới là 2.324 trang trại.

Trong tổng số 33.806 trang trại có 7.958 trang trại trồng trọt tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long; 15.189 trang trại chăn nuôi tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; 120 trang trại lâm nghiệp; 1.819 trang trại nuôi trồng thủy sản, 336 trang trại khai thác thủy sản; 8.361 trang trại tổng hợp tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông Hồng.

Trong đó có 9.595 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận trang trại, chiếm 28,5% tổng số trang trại cả nước.

Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Luật HTX đến nay, cả nước đã giải thể được gần 3.000 HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém, hoặc đã ngừng hoạt động. Do vậy cả nước hiện chỉ còn 700 HTX yếu kém cần phải giải thể.

Việc thành lập các HTX kiểu mới và giải thể các HTX yếu kém đã giúp cho khu vực kinh tế tập thể ngày càng trở nên lành mạnh, hiệu quả. Trước năm 2012, cả nước chỉ có khoảng dưới 10% HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng hiện nay tỷ lệ này đã đạt trên 20%. Tỷ lệ các HTX nông nghiệp được đánh giá là hoạt động có hiệu quả đã tăng từ dưới 30% trước đây lên 46% năm 2017.

Thu nhập tăng từ 75,8 triệu đồng/hộ/ năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng/hộ năm 2017

Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn đã tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012, gấp 3,5 lần so với năm 2008), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.

Về phía các tổ chức nông dân, cả nước có trên 13.000 HTX và khoảng 65.000 Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu trung bình của HTX đạt 1,1 tỷ đồng/HTX/năm, cao gấp hơn 1,5 lần so với năm 2012. Số lượng HTX thành lập mới từ 2016 đến nay tăng cao đạt 1.500-2.000 HTX/năm (cao gấp 2-3 lần so với trước đây).

Tuy nhiên, nội tại hợp tác xã còn nhiều yếu kém như trình độ quản lý, chuyên môn của cán bộ HTX nhìn chung còn rất hạn chế, số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo (trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 46%); đa số là cao tuổi, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, thiếu nhạy bén trong hoạt động; vốn ít, bình quân là 1,26 tỷ đồng/HTX (do thành viên chủ yếu là nông dân còn nghèo).

Mặc dù tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả có tăng lên 46% nhưng so với yêu cầu về phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiện nay thì vẫn không đạt yêu cầu đề ra. Các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả thì thu nhập của hợp tác xã và thành viên thấp (bình quân thu nhập của hợp tác xã là 980 triệu đồng/hợp tác xã/năm, của thành viên là 1,8 triệu đồng/người/tháng), dẫn đến người dân không tích cực tham gia vào hợp tác xã.

Giải pháp cơ bản phát huy vai trò của nông dân, tổ chức nông dân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ phát huy vai trò của nông dân, tổ chức nông dân.
4.1. Thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

– Tuyên truyền thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 đối với người nông dân nói chung và các thành viên của hợp tác xã nói riêng. Tổ chức tôn vinh tấm gương nông dân điển hình, tiên tiến trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nông thôn mới; tôn vinh các hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả.

– Vận động các chủ trang trại, nông dân sản xuất giỏi là hội viên Hội Nông dân tham gia tích cực vào phong trào phát triển hợp tác xã.

– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho thành viên hợp tác xã và các đối tượng nguồn sáng lập, khởi nghiệp các hợp tác xã là hội viên của Hội nông dân.

– Ưu tiên nguồn kinh phí cho vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp các thành viên hợp tác xã nông nghiệp là hội viên Hội Nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

– Chỉ đạo tổ chức Hội Nông dân các cấp từ Trung ương đến địa phương triển khai có hiệu quả nội dung và giải pháp được phân công để thực hiện mục tiêu phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hiệu quả.

4.2. Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu còn yếu kém trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; phát triển 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

4.3. Phát triển HTX hiệu quả liên kết với doanh nghiệp; phát triển trang trại theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, theo chuỗi giá trị. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.

4.4. Thực hiện xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối thị trường trong nước với thị trường toàn cầu; nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo cung cầu nông sản; hỗ trợ nông dân, tổ chức nông dân về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, truy suất nguồn gốc hàng nông sản.

Tiềm năng của sản xuất nông nghiệp của nước ta là rất lớn trong khi người nông dân cần cù, chịu khó nên việc giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ là tiền đề quyết định để phát huy vai trò của của nông dân, tổ chức nông dân trong quá trình cơ cấu lại sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp.

(Theo Hội Nông Dân Việt Nam)